VIETNAM ELEVATOR EXPO

The International Exhibition for Elevators, Lifts, Technologies & Accessories

From 05th – 07th December 2024

At SECC – 799 Nguyen Van Linh Street, Dist. 7, Ho Chi Minh City, Vietnam

Việt Nam và EU ký kết Hiệp định thương mại tự do

Sau khi ký kết EVFTA và IPA, hai bên vẫn còn nhiều việc phải làm để các hiệp định này được phê chuẩn và có hiệu lực.

Những khác biệt của Hiệp định thương mại Việt Nam – EU

Chiều 30 / 6, tại Hà Nội, Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU gồm Hiệp định thương mại tự do(EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư(IPA) vừa được ký kết sau 9 năm đàm phán.

Lễ ký kết diễn ra dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và bà Cecilia Malmstrom – Cao uỷ thương mại của Liên minh châu Âu.

EVFTA và IPA đã chính thức được ký kết

Tại buổi ký kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại cuộc gặp bên lề G20 với Chủ tịch Uỷ ban châu Âu và đại diện EU đã nhấn mạnh 30 / 6 là ngày mang ý nghĩa lịch sử quan hệ Việt Nam – EU.
“Hiệp định mở ra chân trời mới cho sự phát triển của hai bên”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cảm ơn các đối tác EU.Ông cho rằng, EU với tầm nhìn hướng đông đã coi Việt Nam là đối tác, quốc gia giàu tiềm năng, đối tác hàng đầu tại Đông Nam Á.
“Hai hiệp định này quan trọng này như hai tuyến cao tốc quy mô lớn, hiện đại nối gần hơn EU và Việt Nam, để hai bên tiếp cận thị trường của nhau”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cũng cam kết Việt Nam hợp tác chặt chẽ với EU để sớm phê chuẩn các hiệp định này.

Bà Cecilia Malmstrom – Cao uỷ thương mại của Liên minh châu Âu thì nhắc tới câu nói của người Việt Nam “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
để cảm ơn sự chuẩn bị của các đối tác, đồng nghiệp ở Việt Nam trong suốt 9 năm qua.
“Sẽ rất sớm thôi người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận được hàng hoá từ châu Âu và ngược lại”, bà nói.

Cao uỷ thương mại của EU nhấn mạnh, EVFTA sẽ xoá bỏ 99 % dòng thuế hàng Việt Nam sang EU và 1 % còn lại sẽ được gỡ bỏ thông qua hạn ngạch thuế quan.Điều này sẽ xoá bỏ tệ quan liêu mà doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối diện.

Bà cũng hoan nghênh Việt Nam mở cửa thị trường mua sắm, nhờ đó các công ty Việt Nam có thể mua thiết bị, dịch vụ giá cạnh tranh.
“Đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt bậc nhờ các hiệp định này”, bà Cecilia nói.

Cao uỷ thương mại của EU hy vọng, cả 2 bên sẽ sớm phê chuẩn để các hiệp định thực thi, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng.
“Đây là tín hiệu gửi đi thế giới khi xu hướng bảo hộ đang gia tăng ở nhiều nơi. EU hướng tới những người bạn ở châu Á, và Việt Nam là trụ cột kinh tế ở ASEAN, nên hiệp định này là viên gạch nền tảng quan trọng trong hoạt động các bên”, bà Cecilia nhấn mạnh.

Ông Trần Tuấn Anh – Bộ trưởng Công Thương chia sẻ thêm, việc ký kết EVFTA và IPA mới chỉ là bước khởi đầu và hai bên vẫn còn nhiều việc phải làm để các hiệp định này được phê chuẩn, có hiệu lực.

Là cơ quan chủ trì đàm phán hiệp định IPA, ông Nguyễn Chí Dũng– Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho biết, IPA với những cam kết toàn diện và cân bằng hơn về bảo hộ đầu tư sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư EU về tính hấp dẫn, an toàn, thân thiện và cạnh tranh cao hơn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, và ngược lại.Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đứng trước một số thách thức về hệ thống kết cấu hạ tầng, trình độ công nghệ…trong quá trình thực thi hiệp định này.

Để hiện thực hoá hiệp định này, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, đề xuất trình Quốc hội sửa đổi hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Luật lao động và một số Luật về thuế…

Những sửa đổi này nhằm tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI.Chính phủ cũng sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công, khơi thông nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Đại diện Chính phủ Việt Nam và Liên minh châu Âu chụp ảnh lưu niệm tại lễ ký kết chiều 30 / 6

EVFTA gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ…Dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản…là những ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này.

Về thuế quan, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86 % số dòng thuế và hơn 99 % dòng thuế được gỡ bỏ sau 7 năm.

Ngược lại, Việt Nam cũng cam kết sẽ bỏ ngay 48, 5 % số dòng thuế cho hàng hoá EU.Sau 7 năm số dòng thuế được xoá bỏ tăng lên 91, 8 % và  sau 10 năm mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98, 3 % số dòng thuế…Người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội tiêu dùng các sản phẩm của châu Âu với giá cạnh tranh.

Còn Hiệp định IPA gồm các quy định hiện đại về bảo hộ đầu tư cho phép việc thực thi và triển khai thông qua hệ thống mới tòa án về đầu tư, đồng thời vẫn đảm bảo các chính phủ cả hai phía có quyền điều tiết các lợi ích của công dân.

Hiệp định IPA sẽ thay thế các hiệp định đầu tư song phương mà 21 nước thành viên EU đã ký với Việt Nam, triển khai một khung pháp lý mới đảm bảo ngăn ngừa xung đột về lợi ích cũng như tăng cường minh bạch.